Con phà Vàm cống chạy hùng hục giữa cái nắng
hè oi ả. Dòng nước Hậu Giang vẫn chảy êm đềm dưới thành phà, thỉnh thỏang có
những con sóng vỗ đập vào 2 bên mạn phà, tạo ra âm thanh quen thuộc “phập
phập”…
Đã lâu rồi, cái cảm giác đi qua sông Hậu bằng
chiếc phà thân quen mới có dịp tái hiện. Ngày xưa, mỗi lần qua nơi này mình đều
thích ngắm bầu trời trong xanh xa tít, những chiếc xuồng ba lá, tiếng máy co-le
dầu của những người nông dân in sâu vào mình như đặc trưng thân thuộc nhất.
Những hình ảnh này luôn xuất hiện bất kể lúc nào khi qua đây.
Ngày đó, mình thường hay có dịp để đi qua con sông
này, khi thi đi chùa lễ Phật ở ngôi chùa Xẻo tre của huyện Lấp vò, khi
thì có dịp đi Sài Gòn, hoặc đến thăm nhà bạn bè cũng không ít, mỗi lần có dịp
đi ngang con phà mình đều muốn ngắm nhìn dòng nước cuộn phù sa ấy.
Yêu lắm sông Hậu à!
Con sông này là một nhánh của sông Mêkong, Mêkong khi
vào Việt Nam tạo thành 2 nhánh lớn, một nhánh là sông Tiền, một nhánh sông Hậu.
Từ 2 nhánh này chúng tạo ra thêm nhiều dòng chảy nhỏ mà người miền tây hay gọi
nó là 9 con rồng. Với sông Hậu, nó bắt nguồn từ vùng đất xứ lụa một thời nổi
tiếng Tân Châu (An giang), sau đó chảy dài theo hướng Đông Nam và đổ dần ra
biển, trước khi ra biển nó đã cung cấp cho người dân các tỉnh An Giang, Đồng
Tháp, Hậu Giang và Cần Thơ cũng như cả miền tây Nam bộ những lợi ích hoa màu và
thủy sản.
Nó còn la ranh giới ngăn Đồng Tháp và An Giang ra đôi
bờ, nhìn tổng thể trên bản đồ hình như Đồng Tháp đều có ranh giới với các tỉnh
khác bởi những con sông là những dòng chảy nhỏ của sông Hậu này.
Kể từ ngày xa nơi này, ít được nhìn lại những dòng
nước ngọt nặng trĩu phù sa. Rạch giá không có những dòng chảy như thế, nó cũng
có một phần của sông Cái sắn đổ dồn nước từ quận Thốt Nốt và Tp.Long Xuyên nhưng
khi đến địa bàn Mong Thọ (Tân Hiệp-Kiên Giang) thì bị nước biển hoà vào làm mất
đi cái vị ngọt ngào của nguồn nước.
Uhm, như một ai đã nói rằng “khi ta ở cũng là nơi đất
ở, khi ta đi đất bổng hoá tâm hồn” – có lẽ, mình đã xa nơi ấy, và tâm hồn mình
đã cố hương nơi ấy. Yêu lắm sông Hậu à!